5.7.21

RỜI KHỎI ĐÁM ĐÔNG

Orhan Pamuk viết trong diễn văn Nobel đọc ngày 7/12/2006:

“…Chúng ta muốn sáng tạo ra những thế giới sâu sắc, nhưng chính khao khát được đứng riêng mới buộc chúng ta hành động.

Cần cù kiên nhẫn không đủ: Nhà văn phải biết rời khỏi đám đông để trở về với chính mình.

Quy tắc sáng tác: Phải kể chuyện mình như thể đó là chuyện của người khác, và kể chuyện người khác như của chính mình.

Một nhà văn độc lập là người biết lắng nghe chính mình, khai sáng chính mình trước khi nghĩ đến người khác.

Viết, hành động xuyên qua chính mình.

Viết, tức là biến cái đắm đuối nội tâm thành câu chữ, là khám phá cái thế giới mình tương tác với mình, cần mẫn ương ngạnh và say sưa

Khi tôi ngồi vào bàn: tôi tạo ra một thế giới mới

Tôi đang sinh ra một kẻ khác bên trong tôi

Bí mật của nhà văn không phải là cảm hứng mà là tính ương ngạnh của anh ta.

Người Thổ có câu: Phải biết đào giếng bằng kim…”

***

Tôi trích lại những dòng này, vì trong tôi  nhiều lúc lờ mờ có những ý nghĩ tương tự mà tôi không sao cho nó hiện hình thành con chữ, nói đơn giản là không sao đi tới tận cùng ý tưởng của mình. 

Vả chăng trong thực tế tôi có một cuộcj sống khác.

Thói quen của một người cả cuộc đời hơn năm chục năm trời (1968-2017) làm nghề công chức văn chương xui tôi phải lao ra đường. 

Phải đến với các đám đông. Phải lo gặp gỡ người nọ người kia. Phải đi vớt vát giành giật lấy ít tiền bạc tiếng tăm. 

Nhưng...  tôi làm việc đó một cách vụng về 

Từ trẻ tôi đã bị ám bởi một vài bài học mà tôi rút ra từ cái trường học lớn là văn chương tiền chiến và từ đời sống văn học bình thường ở các xã hội khác. 

Một trong những bài học đó: cái mà người viết văn lo nhất là làm giàu chính mình khai thác chính mình  - như mấy câu của Pamuk ở trên đã dẫn. 

Ngoài ra chỉ là chuyện giời ơi đất hỡi. 

Về già càng cần phải lo trở lại chính mình. 

Khẩu hiệu luôn luôn cần tự nhắc lại: Hãy đơn độc đối diện với cái tương lai mù mịt. Tôi không đến với các bạn không phải là tôi không nghĩ đến các bạn. Có thể là bạn không cần, nhưng phải thú thực là tôi vẫn viết vì các bạn và muốn gửi tới các bạn, đó là nhu cầu của riêng tôi.

Nó cũng giống như một vài mối tình một phía tôi đã trải qua lúc còn trẻ. Mãi về sau này, khi nghĩ về cái mà ai cũng bảo là thất bại, tôi vẫn đau khổ và thường khi có cả xấu hổ nữa.Chỉ khi tuổi ngoài 70, tôi mới nghĩ được rằng hạnh phúc là có lúc tôi đã sống những giây phút như thế. Tôi đã yêu được người khác, thế là được rồi. Hạnh phúc thông thường là sự gặp gỡ, là sự được đền đáp, nhưng cũng có thể - trong một vài phân nhỏ thế nào đó - bao hàm cả cái nghĩa là biết vô vọng mà vẫn làm.