27.6.21

THỬ TÌM HIỂU CÁCH KIẾM SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT

 Từ trường hợp của những ông già ném cá trong bài trước, tôi xin thử nêu lên một vài đặc điểm  làm nên cách kiếm sống dân ta xưa và nay:

1-- Trong cuộc mưu sinh, dân  ta còn đang dừng lại ở tư duy hái lượm tức là sẵn có cái gì của thiên nhiên thì nhặt lấy mang về. Năng lực của cộng đồng trong việc chủ động tổ chức ra một xã hội  sản xuất, năng lực đó còn hạn chế... Con người trong xã hội ta đa số là vô nghề nghiệp và không đạt tới đỉnh cao trong việc làm nghề. Các ngành nghề không được chăm lo cải tiến nên chỉ có giậm chân tại chỗ.

 Khi tiếp xúc với các nền kinh tế khác chúng ta lại không chịu học hỏi đàng hoàng kỹ lưỡng nên cứ kém mãi.

2-- Chiến tranh là nhân tố chủ yếu chi phối khuôn mặt của xã hội VN trong suốt trường kỳ lịch sử. Trong các thế kỷ trước, nhất là hai thế kỷ XVII – XVIII sa vào nội chiến, ở ta, việc sản xuất nông nghiệp chỉ phát triển trong mức độ bảo đảm cho các cuộc chiến tranh giữa các phe phái được duy trì . Vậy mà nạn đói vẫn luôn luôn xảy ra. Còn sự phát triển các ngành công thương nghiệp là hết sức kém cỏi thì cũng là lẽ tự nhiên. 

 Điều này càng rõ nếu xét  tình hình từ 1945 tới nay.Trong chiến tranh bao nhiêu con người giỏi giang đổ hết cả ra mặt trận. Đến cả lương thực cho người dân miền bắc cũng phải nhập của nước ngoài. Súng ống đạn dược xe pháo dùng trong chiến tranh là của ngoại nhập. Ở hậu phương mọi công việc như xây dựng nhà cửa hoàn toàn ngưng trệ. 

Sau chiến tranh hầu hết chúng ta là những kẻ vô nghề nghiệp. 

Các quan chức cũng hoàn toàn vô nghệ nghiệp. Từ những người chỉ quen “đánh đồn diệt viện”, nay phải lo quản lý đủ mọi ngành nghề hiện đại, làm sao không dẫn tới tình trạng làm đâu hỏng đấy.

Sau khi đọc bài của tôi có bạn nói rằng giá ông già kia có đồng lương hàng tháng bốn năm triệu thì ông không phải làm thế. 

Tôi xin trả lời rằng đó là chỉ nhìn bề ngoài. 

Còn nhớ có lần trên mạng thấy loan tin các cơ quan khoa học người ta đánh giá rằng  nước mình là một xứ mà việc quản lý các tài nguyên khoáng sản là loại đội sổ, kém nhất thế giới.

 Không cần có mặt ở các loại mỏ, chỉ từ tình hình chung cũng đoán ra hết. 

Những người  chủ trì công việc làm ăn ở các vùng tài nguyên đó, theo sự nhìn nhận của tôi thật cũng chẳng khác gì ông già ném cá hàng xóm của tôi bao nhiêu. 

Nghĩa là thấy của một đống trước măt mình đấy thì bất chấp quy trình ký thuật cần thiết, cha con chỉ lo đào cho được rồi bán tống bán táng ra nước ngoài lấy tiền. Tiền này đi đâu thì ai cũng biết rồi -- nộp cho ngân quỹ nhà nước thì ít, đút vào túi mình thì nhiều. 

Ta chỉ trách những quan chức này là họ tham nhũng.

 Ta quên rằng họ cũng đang là những người kiếm sống không có nghề ngỗng gì hết, và kiếm sống với bất cứ giá nào. 

Trong khi khai thác tài nguyên theo kiểu thổ phỉ vậy, tự họ đã tước đi khả năng tồn tại và phát triển của cái nguồn lực đáng lẽ nuôi sống cộng đồng và chính họ trong một thời gian lâu dài. 

Họ cũng từ bỏ luôn cái cơ hội tốt để họ và con cháu họ tử tế nên người.

3-- Nói tới một đặc điểm khác trong việc kiếm sống của người mình, nhất là con người hiện đại. 

Là ta có lối suy nghĩ rất thiển cận, trong khi phấn đấu để vượt lên số phận nghèo khó đã không chịu học không chịu chuyên môn hóa …mà lại chỉ nhăm nhăm tính toán sao cho có thể đạt đến mọi mục đích tầm thường của mình bằng con đường nhanh nhất. 

Nhân danh nghèo khó, cho là mình có quyền làm mọi điều xấu xa và sẽ chẳng có  thần phật nào trừng trị chúng ta cả. 

Tiếp đó là bày ra đủ thứ lý luận để cãi trắng cho sự hư hỏng của mình. Cả một đội quân tuyên truyền góp phần vào việc tự biện hộ này. Chúng ta đã đi tới sự tự lừa dối tự lúc nào không biết.

Đến lúc này thì người ta nói rằng con người đã vô phương cứu chữa.

Nhưng đây là một khía cạnh khác nó làm nên một xu hướng phát triển của con người thời nay là sự tha hóa.

 Lâu nay ta chỉ nghĩ người giàu mới tha hóa.

 Nhưng 40 năm sau chiến tranh, người nghèo cũng đang tha hóa. 

Cố nhiên, vì chạm đến đồng tiền và quyền lực nên quan chức thì tha hóa nhanh nhất.

Xưa ta hay có thói quen nói rằng giai cấp thống trị xấu xa là vua quan thời phong kiến có lẽ là người nước nào đó chứ không phải người Việt.

Nay thì chắc các quan chức -- cả bộ phận tha hóa lẫn bộ phận còn đang chống chọi lại xu thế chung đó -- cùng có lý do để nhận họ là những người Việt thứ thiệt.