5.7.21

HAI CUỐN SÁCH VIẾT VỀ CÁC VẤN ĐỀ TRỪU TƯỢNG MÀ LẠI DÀNH CHO BẠN ĐỌC NHỎ TUỔI


Nhân đi mua sách cho hai cháu nội, tôi thấy có hai cuốn có những cái tên khá dài, nội dung thì hình như quá cao, quá trừu tượng
-- Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học
-- Những câu hỏi hóc búa về đức tin
Cuốn trên -- liên quan nhiều đến triết học -- vốn của nhà xuất bản Nathan bên Pháp, và cuốn dưới -- liên quan tới các vấn đề tôn giáo --- do bộ phận làm sách thiếu nhi của tập đoàn Macmillan bên Anh xuất bản.
Bản quyền bản tiếng Việt của cả hai cuốn trên đều thuộc nhà Kim Đồng.
Hôm nay, tôi mới liếc qua được cuốn thứ nhất.
Chữ nghĩa viết ra không nhiều, nhưng nhìn đầu đề các phần đã thấy đặc sệt chất triết học:
nhất thể và phức thể
Hữu hạn và vô hạn
...
Thời gian và vĩnh cửu
Tôi và người khác
Đây là cái câu coi như đặt vấn đề về sự cần thiết của cuốn sách
"Tại sao phải suy nghĩ về những điều trái ngược?"
"Bởi thiếu những điều trái ngược, chúng ta sẽ không thể tư duy?"
Câu mở đầu cho đoạn 3 chương Tôi / người khác cũng có cái ý đầy thách thức:
"Mỗi chúng ta đều là duy nhất với bản sắc riêng cần được công nhận và tôn trọng"
Trong chương Lý trí/ đam mê có một câu hỏi.
" Ta nên làm theo lý trí hay theo đam mê?"
Hình ảnh dùng làm minh họa trong sách thì được hình thành và liên kết lại theo những quy luật chi phối ngôn ngữ tạo hình trong nghệ thuật hiện đại. Có thể nhìn qua đã hiểu, xem đi xem lại nhiều lần càng hiểu và càng thích thú hơn.
Tôi không chắc là đám cháu trên dưới mười tuổi của tôi có thể thích được hai cuốn này.
Nhưng tôi cứ mua về để một là tự mình học hỏi thêm, và hai là dần dần bằng cách nào đó, trong những dịp thuận lợi cho các cháu làm quen.
Biết đâu -- trong muôn một - các cháu sẽ tò mò đọc tiếp nghĩ tiếp.
Khi lo làm sách hướng tới một tầng lớp bạn đọc ở lứa tuổi nào đó, người ta thường chỉ tự hạn chế trong cái đối tượng đông đảo tức bộ phận gọi là trung bình. Không ai nhớ rằng còn có một lớp bạn đọc ưu tú vượt lên trên trình độ thông thường, và xã hội cần phải tính tới việc phục vụ họ.
Nhớ những khi đọc loại sách tiểu sử các vĩ nhân -- chẳng hạn cuốn Napoléon
Bonaparte của Tarle -- tôi thấy người ta đều viết rằng từ lúc học tiểu học các nhân vật này đã có dịp đọc các loại sách kinh điển của thế giới, kể cả các loại khoa học xã hội.
Lẽ nào chúng ta chỉ chấp nhận rằng trong tương lai người Việt sẽ chẳng có ai vượt lên trên trình độ trung bình thông thường?
NẾU tin rằng chỉ khi có một bộ phận ưu tú xuất hiện -- người xưa gọi là lớp trí thức thượng lưu -- xã hội mới tiến lên được
THÌ hãy tự hỏi ta đã làm gì để chuẩn bị cho những phần tử ưu tú đó?
Trong hoàn cảnh hiện nay, không thể trông chờ vào nền giáo dục do nhà nước đảm nhiệm.
Tùy tâm tùy sức, lớp người lớn tuổi chúng ta phải lo trở thành những nhà giáo dục của con em mình.
Không chừng nhờ thế, một cách ngẫu nhiên, ta lại giúp đỡ cho trẻ ở cả các gia đình khác.