5.7.21

TỰ ĐÁNH MẤT MÌNH

Trong báo Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 11 – 11- 2018, tôi đọc được nhận xét của một nhà nhiếp ảnh nước ngoài viết về các di tích ở Đồng bằng bắc bộ, trong trường hợp này là chùa Phật Tích ở Bắc Ninh:

Đối với tôi, chùa Phật Tích đã vĩnh viễn biến mất trên trái đất này.

Ông nói điều này, sau khi chứng kiến chùa Phật Tích nói ở trên được tu tạo và gần như làm lại, tốn rất nhiều tiền của, nhưng lại cho thấy một ngôi chùa có cốt cách và tinh thần khác hẳn ngôi chùa cũ.

Tôi nhớ lại cái cảm tưởng của mình khi thấy trong một số Tuổi trẻ cũ hơn nữa, đưa tin về  vùng đất du lịch Sa Pa nay bị thay đổi hết cái tinh thần vùng đất cũ, cách sinh sống của người dân như bao đời vốn vậy, và thay vào đó là những khách sạn hiện đại những phương tiện sống hiên đại nhưng lại chả có gì dính dáng đến nền văn hóa cổ truyền của  những con người trên mảnh đất mà cha ông họ đã bao đời sinh sống.

Tôi muốn lăp lại cái câu của nhiêp ảnh gia người Pháp.

Tôi tin chắc rằng rồi đây du lịch Sa Pa dù có đông hơn những loại khách phàm tục nhưng sẽ ngày càng ít đi những người khách tử tế muốn làm những chuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa để hiểu biết thêm về sự đa dạng của con người và đất nước Việt Nam. 

Chuyện xảy ra với Sapa lại đang xảy ra với Đà Lạt và ở nhiều nơi khác

Một lần tôi đã được nghe một sinh viên Mỹ nhắc lại một câu của nhà văn Vũ Bằng:”Chúng ta luôn luôn cảm thấy là đang đánh mất một cái gì đó rất quý báu, dù không biết thật rõ là mất cái gì”. 

Đó là cảm tưởng của một con người sống trong thời VN bước vào hiện đại hóa lần thứ nhất và dù nhiều thay đổi nhưng căn bản vẫn là  rất thịnh trị, thời của những năm tiền chiến huy hoàng. 

Tiếp đó là chiến tranh. 

Rồi tiếp đó là 40 năm hậu chiến mà so về mặt phá hoại bộ mặt của đất nước, thì thời chiến chúng ta còn làm một cách vô ý thức, chứ đến lúc hòa bình, thì chúng ta lại càng phá hoại tàn bạo hơn.

Một lần anh Trần Huy Quang là một nhà nghiên cứu xã hội học có nói với tôi về cảm tưởng của anh khi đi lại trên đường phố Sài Gòn. Anh bảo là từ ngày có tòa nhà Vincom đặt ở giữa phố Đồng Khởi thì anh không còn muốn đi lại trên con đường trước 1975 gọi là đường Tự Do đó nữa.

Năm 1984, cậu em tôi sau khi đi bộ đội, vào Sài Gòn kiếm việc bằng cách làm bảo vệ cho một căn nhà của phòng văn hóa  Quận 1 trên đường Canmet.Sau này khi có gia đình cậu chuyển về sống ở quận Gò Vấp, và bây giờ sống ở quận 12. Những năm trước trong khi dẫn tôi từ bắc vào đi thăm thú Sài Gòn, thường bao giờ cậu cũng dẫn qua đường Đồng Khởi và đường Nguyễn Huệ. Một lần cậu thủ thỉ với tôi rằng Sài Gòn thật là Sài Gòn thì chỉ có quận nhứt. Ở đó người ta sống theo một quy luật riêng và hình như làm nên một xã hội riêng mà người ở các vùng khác không thể nào hiểu nổi. Cậu nói điều đó mấy lần khoảng 10 năm trước đây, nhưng những năm gần đây thì không bao giờ nhắc lại cái câu đó nữa, và khi tôi hỏi thì cậu lảng tránh, gần như không muốn nhắc tới một cái gì quý báu vừa đánh mất mà chỉ càng nói càng thấy đau lòng.

 Chúng ta không thể sống khác được sao?

 Chẵng nhẽ chúng ta không thể vừa có hiện tại vừa có quá khứ ?