5.7.21

TRONG VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI CHIẾN TRANH THƯỜNG ĐƯỢC MIÊU TẢ KHÁC HẲN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

1/

Trong nhiều từ điển văn học của nước ngoài, người ta có mục từ riêng về văn học chiến tranh. Chẳng hạn trường hợp cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương Guide Des Ideés Littéraires của Henri Bénác, bản dịch tiếng Việt của NXB Giáo dục 2008.  

Đọc vào thì tôi thấy là quan niệm về chiến tranh của chúng ta ngược hẳn với quan niệm về chiến tranh của con người trong thế giới hiện đại. 

Nói tới chiến tranh ở Việt Nam là nói tới chủ nghĩa anh hùng. 

Nhưng trong cuốn sách trên, tác giả cho biết là xu hướng chung của văn học thế giới hiện nay là chỉ miêu tả người lính như những người bình thường, không anh dũng cũng không hèn nhát. 

Với họ, chiến tranh không còn đồng nghĩa với vinh quang nữa. Ở chúng ta, chiến tranh luôn luôn được tán thưởng, chiến tranh được coi như sự cần thiết thiết yếu và được coi như đặc tính thiêng liêng. Còn với người ta, chiến tranh là một tai họa do Chúa tạo ra để trừng phạt chúng ta và lúc nào chúng ta cũng có thể bị trừng phạt. Nó là hậu quả của những nhục vọng, là sự nối tiếp của tội lỗi mà tham vọng và tội lỗi lại bất tử. 

2/

Trong những năm trước 1975, văn học Mỹ hiện đại rất ít được biết tới ở Hà Nội và chỉ có một người lọt lưới duy nhất là Hemingway. Mặc dù vậy, hồi đó chúng tôi chỉ được biết tới các tác phẩm của ông như là Chuông nguyện hồn ai, với lời giải thích đó là tác phẩm ca ngợi chủ nghỉa anh hùng. Năm 1973, khi tôi là ở Văn nghệ Quân đội, tôi có cố gắng kiếm một ít bài viết của tác giả Ông già và biển cả bàn về việc viết về chiến tranh. Thời ấy trên các trang lí luận phê bình của báo chí, các tài liệu từ nước ngoài hoàn toàn bị cấm cửa. Sở dĩ bài của tôi đưa được ban biên tập chấp nhận là vì ở đó có nhấn mạnh rằng các nhà văn hãy xông vào chiến tranh và nếu trong họ có những người hi sinh thì những người trở về sẽ biết sự thật về chiến tranh.

Hồi ấy chúng tôi đã biết là Hemingway đã gọi thế hệ cùng tuổi với ông là thế hệ mất mát. Sau này tôi mới biết rằng thật ra nên dịch rằng thế hệ vứt đi. Trong nhiều truyện ngắn, các nhân vật của Hemingway từ chiến tranh trở về không còn là người bình thường nữa. Khi có một người mẹ hỏi đứa con thế mày không muốn sống à, thì đứa con trả lời là: Không, con không muốn sống. 

3/

Trong một bài báo đưa vào trang blog Nhị Linh, nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng có giới thiệu một bài viết về tác động của chiến tranh thế giới thứ nhất đối với văn học. Điều nổi bật mà Cao Việt Dũng nhấn mạnh là chiến tranh đã kéo lùi nền văn học đương thời cả về những quan niệm nhân bản lẫn trong những tìm tòi về nghệ thuật. 

Không hẹn mà nên, những ý tưởng đó hoàn toàn có thể áp dụng cho tình hình văn học Việt Nam. So với văn học tiền chiến thì văn học sau 45 có nhiều bước lùi, như sự trở lại của các yếu tố phi chuyên nghiệp, sự trở lại của các môtip chủ đề đã quá lỗi thời, kể cả sự trở lại của các nhân vật thời tiền hiện đại.