24.6.21

GIẦU CÓ NHƯNG KHÔNG THÀNH NGƯỜI

1/   

 Trong số những cách  hành xử của đám nhà giàu trọc phú khiến  dân tình phải bàn tán, tôi nhớ mấy năm trước  có  chuyện họ  mang việc đấu giá làm từ thiện ra đùa cợt. Đùa cợt trên sự cùng cực của người nghèo.

     Nhìn lại thời xưa, tôi vẫn nghĩ, cùng với giới trí thức, đám người giàu có thuộc về bộ phận ưu tú của xã hội họ có khá hơn thì xã hội mới được nhờ.

     Nhưng đến thời ta, cả hai đám người ấy bị thù ghét và thù ghét vô lối  bất công đến mức ai người muốn trở thành ưu tú cũng nản lòng luôn .

    Phải qua chiến tranh rồi những ngày hậu chiến đầy ảo tưởng đến nay sự tôn trọng đám người ưu tú đó mới được khôi phục.

    Nhưng làm sao mà có ngay được những người ưu tú chân chính khi những chuẩn mực xã hội hoàn toàn lệch lạc.

     Để chuyện trí thức vào một dịp khác, hôm nay ta hãy nói về người giàu thời nay. 

     Câu chuyện tôi nêu ở đầu bài không phải "cá biệt ,ngẫu nhiên' Trong những cuộc trao đổi với đám người cùng tuổi nhất là những người có kinh nghiệm về xã hội cũ, chúng tôi vẫn lắc đầu hoài, 

     Tôi muốn nói riêng trong phạm vi Hà Nội, nơi những cuộc cải  tạo tư sản khét tiếng một thời, và chủ nghĩa nghèo khó bình quân được triệt để thực hiện,  việc một số người giàu có, tự nhiên phất lên chiến tranh là hạng người nào, không ai còn phải lấy làm lạ !

2/ 

 Cũng như mọi phán đoán khác, tôi biết ở đây tôi phải có lời xin lỗi nếu cố tình tuyệt đối hóa nhận xét của mình.

 Một trong những thói quen của thời bao cấp là thói ghen tị không thích ai hơn mình, và tôi tin sang thời mới (?) rồi mà cái đó nay vẫn còn. 

   Nhưng trên đại thể, tôi vẫn tin tôi đúng. 

   Sự kém cỏi mọi đường của lớp người giàu thời nay  là lý do khiến sự giàu có chung của xã  hội không chắc chắn mà cũng không tự nó nhân lên nhiều lần như chúng ta cùng mong ước.

    Dưới đây tôi muốn nói thêm về những ảnh hưởng  của lớp giàu  tới sự suy nghĩ của cả xã hội. 

     Một người Đức đã viết trên mạng về “người Việt xấu xí’.

    Ông ta bảo hình như nhiều người Việt hiện nay cũng biết mình hư hỏng nhưng lại có lối đổ thừa cho hoàn cảnh.

     Tức là bảo rằng tại chúng tôi nghèo quá nên chúng tôi mới hư hỏng thế này, còn nếu giàu có lên thì chúng tôi sẽ tử tế ngay.

     Còn theo kinh nghiệm của người Đức, và nhiều cộng đồng khác, con người phải tử tế thì mới có được sự giàu có chắc chắn.

     Có vẻ như các vụ việc gần đây cho thấy người Đức kia nói đúng.     

     Sự giàu có hiện nay của một số người ở VN chỉ là sự giàu có giả tạo. Họ vẫn chưa thành người.

3/

     Tại sao đám dân có máu mặt -- đúng hơn là đám người ưu tú thời nay -- lại có bộ mặt như vậy? 

Câu trả lời có thể là:

-- đi qua chiến tranh người ta sống cảm giác kẻ sống sót, không thấy cuộc đời có ý nghĩa gì ngoài sự hưởng thụ và muốn làm gì thì làm cốt nổi trội hơn người.

-- chiến tranh không đào tạo người ta thành người lao động bình thường, trước cuộc mưu sinh ngày nay, mỗi người hoàn toàn bất lực. Nhưng họ lại quá nhiều kinh nghiệm trong việc bất chấp pháp luật, hoặc lợi dụng khe hở của pháp luật để mưu cầu tham vọng riêng

     Nên nhớ là dưới bom đạn, ảo tưởng lại được nuôi nấng, và đến nay khi ảo tưởng đó tiêu tan, thì con người ta như con trâu đứt mũi, thả mình phiêu lưu trong sự hư hỏng.

 4/

  Một  nguyên nhân khác:  Nguyên nhân căn cốt cộng đồng. Ngay từ hồi chiến tranh, tôi nhớ một người như nhà văn Đỗ Chu đã có lúc trầm ngâm nói với tôi rằng đọc lại sách vở xưa, bên cạnh rất, rất nhiều tự hào, nhiều khi chợt thấy dân mình có quá nhiều tính chất của một đám đông lêu lổng(?!).

 Không biết bây giờ anh Chu có còn nghĩ như thế, nhưng mấy chục năm nay, nó cứ khiến tôi phân vân mãi

   Có đúng thế không? Không đúng hẳn, cũng đúng một phần?

Hay đây chính là mặt chủ yếu trong cái bộn bề tính cách người mình?

 5/

  Đọctrên mạng  thấy có người thắc mắc, tham nhũng, ở giới quan chức Trung quốc cũng khủng khiếp lắm, nhưng sao đất nước họ vẫn phát triển đến mức thế giới cũng phải hoảng. 

  Theo sự tìm hiểu của tôi,  CON NGƯỜI NGHỀ NGHIÊP  ở người Trung quốc -- cả người bình thường lẫn các bộ phận ưu tú  --  nói chung rất phát triển.

  Làm nghề gì họ cũng nghiên cứu cẩn thận cũng chép thành sách vở để phổ biến cho nhau. 

  Việc làm quan được đưa thành quy trình quy tắc và sang đến thời nay, những kinh nghiệm xưa vẫn được áp dụng.

  Còn người mình thì ngược lại. 

   Tính cách vô nghệ nghiệp ở cả quan lẫn dân khiến  cho người  mình nhiều  khi giống như cái cây không có một loại quả nào đặc sắc. Nó cũng làm  cho chúng ta năng động mà vẫn nghèo đói , tức nó là cái ý lêu lổng mà nhà văn Đỗ Chu nói ở trên