24.6.21

NHỮNG MẤT MÁT ĐÃ ĐẾN VỚI TIẾNG VIỆT HÔM NAY

Nhiều lần tôi muốn viết những thay đổi đã đến với tiếng nước mình mà không làm nổi.
Tự nhiên nhớ lại đây đó đã có người viết, nếu là các bạn đang sống ở hải ngoại thì dễ có một khoảng cách mà B. Brecht gọi là lạ hóa nên càng có điều kiện hơn. Chẳng hạn với một nữ tác giả là Trần Mộng Tú. Talawas 20-7-09 có in lại một bài của bà này mang tên "Tôi là ai", trong đó có đoạn
Lại có những lần tôi ở Việt Nam, bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết mình từ đâu đến và đang đi lạc, tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi đứng chênh vênh trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao không giống Việt Nam của mình ngày trước, hình như đã có điều gì rất lạ. Ngôn ngữ Việt thì thay đổi rất nhiều, pha trộn nửa Hán nửa ta, chắp đầu của chữ này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “ấn tượng”, nói theo cách dùng chữ khá phổ biến bây giờ ở Việt Nam. Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, đã thế họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích.
*****
Nghĩ về sự biến đổi của tiếng Việt theo hướng này biết là không tránh khỏi , tuy nhiên vẫn cứ thoáng buồn.
Nhà văn Trung quốc Phùng Ký Tái có nói đến khả năng phá hoại văn hóa của người đương thời. Nghe đã lâu giờ mới hiểu.
Trong cuốn "Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX", Đặng Thai Mai có dẫn lại lời của người Pháp về khả năng của người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ:
“ Có độ vài trăm người an-nam biết nói tiếng Pháp, vài ngàn người khác nói tiếng Pháp một cách bạt mạng, đó là bọn bồi bếp, thầy tớ cu-ly xe... ngoài ra con người nơi đây không biết tiếng an-nam cũng không biết tiếng Pháp. Cần phải nói rõ người an-nam vẫn nói tiếng họ, nhưng họ không biết viết và cũng không biết đọc. Cho nên tôi nói rằng chúng ta đang đào tạo những người mù chữ ( sđd, bản của NXB Văn học, 1964, tr 93)
Cái tình trạng thuộc về cuối thế kỷ XIX đó, đã phần nào bị vượt qua trong nửa đầu thế kỷ XX, song từ sau 1945 đến nay có những khía cạnh đang “lại gạo”.
Chết nỗi, nay là lúc ai cũng nghĩ là người Việt thì mặc nhiên mình thạo tiếng Việt. Và cái niềm tự tin ấy sở dĩ phát triển vì nó cho phép người ta không cần mất công tìm hiểu tiếng Việt mà đua nhau dùng bừa dùng ẩu.