24.6.21

Hy vọng như một thói quen khó bỏ

Xếp hàng đã được biết tới như một cách sống điển hình của dân Hà Nội những năm chiến tranh. Bắt nguồn từ sự thiếu thốn thường trực và tin chắc là không bao giờ chấm dứt, cuộc sống “xếp hàng cả ngày” rút cục tạo cho con người ta một cảm giác vô vọng và những hành động kỳ cục không sao hiểu nổi Một người bạn tôi kể trong những năm ấy, nhiều lần cứ thấy có đám xếp hàng là đang đạp xe trên đường chị cũng lao vào giữa đám người ồn ào để tranh chấp lấy một chỗ mà chờ đợi.       

 Chỉ một hai lần chị mua được thứ hàng ưng ý. Còn phần lớn là những cuộc xếp hàng vô ích.

         Hoặc người ta bán những thứ hàng chị không cần. Hoặc đơn giản là hàng không về. 

         Nhưng bận sau thấy có đám đông người chi vẫn lăn xả vào.

         Đến lúc nào đó hình thành một thói quen, nhiều người tuổi tôi, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả dân sống với chữ nghĩa bút mực lẫn những người lao động chân tay, chúng tôi chia sẻ với nhau một cách sống dùi gắng băm bổ, vội vã, lấy sự bươn trải làm mục đích, cốt chứng tỏ trước mọi người là mình đang nỗ lực hết mình, còn kết quả thế nào không dám nghĩ tới. 

         Sau chiến tranh cả người tiếp tục nghèo khó lẫn những người “ giầu lên đùng đùng theo một cách không ai cắt nghĩa nổi”, chúng tôi vẫn bị chi phối bởi cách sống cách nghĩ nói trên, chẵng những thế còn cảm thấy nó đã ngấm vào mình chi phối mình, có muốn cũng không thể từ bỏ. 

      Tôi thường nhớ tới nó cái khi theo dõi nhiều hoạt động xã hội hàng ngày, như các phong trào thi đua, các cuộc chạy theo mốt, các đám lễ hội, du lịch… và hôm nay là chuyện học sinh lao vào học hè. 

       Ở đây không khỏi có lỗi của những người biến giáo dục thành hoạt động kinh doanh, lợi dụng tâm lý quá lo lắng của cha mẹ với con cái, từ đó kiếm lời. 

      Nhưng để việc đó sang một bên, về phía chúng ta, tại sao chúng ta bảo nhau giơ đầu cho họ chém như vậy ?

      Tôi nghĩ đây chỉ là thêm một bằng chứng về sự khủng hoảng giáo dục đã đến hồi kịch liệt và hằn sâu vào lòng người, trở thành trạng thái tâm lý xã hội cố kết bền vững.

       Nhiều người quanh tôi hôm nay hối thúc con cái ngày đêm đèn sách trong tâm lý tuyệt vọng. Trong thâm tâm thừa biết là sau khi nhận con cái ta vào học, nhà trường hiện nay chỉ cho ra những  sản phẩm rất ít được việc cho xã hội. Thế nhưng làm sao bây giờ? Tìm đâu một chỗ học khác? Tiền đâu cho đi nước ngoài? Thôi thì chỉ đành thúc con cái học nữa học thêm, học quên chết, “để nếu cuối cùng chúng nó có kém có hỏng thì mình cũng không có gì phải ân hận “.

     Khi bị đẩy tới cùng, con người tuyệt vọng lại hóa thân thành con người của hành động, nghĩa là những kẻ hy vọng.  

       Theo chỗ tôi nhớ, khoảng cuối 2009(?) một hãng tin nước ngoài từng có một cuộc phỏng vấn ở hàng loạt nước để xét xem người dân ở nước đó có bằng lòng với cuộc sống không. Và trái với dự đoán của họ, hóa ra  ở ta dân tình nói chung vui vẻ, số người bằng lòng và tin tưởng ở cuộc sống lại cao hơn so với người dân nhiều nước thanh bình khác.