24.6.21

NGƯỜI VỚI NGƯỜI LÀ BẠN

Trong bài trước tôi đã nói tới một đoạn trong sách “Tân Quốc Văn” Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch dạy trẻ về quan hệ với người nước ngoài. Dưới đây là toàn văn  bản dịch bài đó của nhà giáo Trần Trọng San trong sách “Hán văn” soạn từ trước 1975 và gần đây được in lại cả ở trong nước cũng như hải ngoại:

CÁI ĐẠO ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

“Con cọp, con chó sói rất hung ác. Chim ưng, chim chuẩn rất dũng mãnh. Nhưng không hề nghe nói chúng ăn thịt nhau. Vì sao? Vì chúng yêu đồng loại. Nay con người có thể không yêu đồng loại được ư? Những con người trong một nhà là đồng loại của ta, nên ta yêu. Họp nhiều nhà lại thành nước: những người trong một nước đều là đồng loại của ta, nên ta cũng yêu. Họp nhiều nước lại thành thế giới, những người trên toàn thế giới không phải đồng loại của ta ư? Ta làm sao không yêu họ?

Những dân tộc chưa khai hóa thường cho rằng những người nước khác có ngôn ngữ, phục sức bất đồng, phong tục, lễ nghi khác nhau, nên dùng những hành vi nghiêm khắc, bạo ngược, khinh bạc, đối xử với họ. Đến khi việc giao thông đã nhiều, nền văn minh mở rộng, người ta mới biết rằng hễ cùng là nhân loại, thì bất luận màu da như thế nào, trình độ như thế nào, đều phải được đối xử theo đạo lý. Dẫu trong trường hợp bất hạnh hai nước khai chiến, công phạt lẫn nhau, vẫn phải che chở cho những nhà buôn kiều ngụ, chữa chạy cho những tù binh bị thương. Trong lúc hai nước khai chiến mà người các nước đó còn phải đối xử  với nhau như vậy, thì có thể hiểu được cách cư xử của họ trong những ngày hòa bình.”

Điểm nhấn ở đây, theo tôi,  là cái quan niệm của người soạn sách về tình nhân loại. Người với người là bạn và ta phải đối xử với người thuộc mọi màu da, mọi trình độ ... theo đạo lý. Ngay cả khi giữa hai nước có chiến tranh thì trên nguyên tắc vẫn phải nhớ tới tư tưởng này để trong những hoàn cảnh có thể, đối xử với người bên kia chiến tuyến như những con người. Che chở cho những nhà buôn kiều ngụ, chữa chạy cho những tù binh bị thương – đằng sau hai việc cụ thể ấy  chúng ta sẽ tự hiểu ra cái tinh thần cần phải noi theo những trường hợp khó xử khác.

 Từ những sách dạy cổ văn Trung quốc của các nhà văn nhà giáo như Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng San, Võ Như Nguyện và Nguyễn Mộng Giao... tôi thấy  có nhiều  bài dạy trẻ cũng tương tự như bài trên. 

Chúng -- các bài ấy --   theo sát tinh thần thế giới đại đồng của triết gia và văn nhân Trung Quốc thời xưa. 

Chúng cũng  trái hẳn với lý thuyết của chủ nghĩa dân tộc đang được âm ỉ nung nấu  và thổi bùng lên  ở một số nước hiện nay bao gồm cả Trung Quốc đại lục. 

-- Nó đang là xu hướng ngày một thắng thế hiện nay cơ mà ? – trong tôi có một giọng nói phản biện

-- Không phải vì nó đang thắng thế hôm nay mà nó sẽ đúng mãi mãi. 

RỐI BỜI CHÂN LÝ. 

Đọc bài này tôi cũng không khỏi nhớ tới tình hình tư tưởng của lớp người như tôi sống ở Hà Nội những năm 1963 – 1964. Hồi ấy chúng tôi rất mê sách vở và điện ảnh Xô viết. Đó là thời mà tư tưởng nhân bản trở lại với nền văn hóa vốn đầy tính chất hận thù những năm chiến tranh 1941-45. Qua các bộ phim như "Đàn sếu bay qua", "Người thứ 41", cũng như truyện vừa "Cây phong non trùm khăn đỏ", "Người thầy đầu tiên", tôi thấy toát lên cái khẩu hiệu được khái quát rất gọn gàng: Người với người là bạn. 

Ngược với sự say mê của bọn tôi, quan niệm “hòa bình chủ nghĩa” này sang ta lúc ấy bị đập tơi bời. Người ta cho rằng ai ca ngợi nó là hèn nhát,  sợ chiến tranh, sợ đế quốc và không dám đương đầu với chủ nghĩa đế quốc. 

Cố nhiên, quan niệm “chống xét lại” này vốn xuất phát từ Trung Quốc.

 Trung Quốc lúc ấy cũng lấy việc chống “tu chỉnh chủ nghĩa” làm lẽ sống. 

Thế là người Trung Quốc đại lục hôm nay đã đi ngược với Trung Quốc thời xưa ư?

 Có lẽ là thế, năm sáu chục năm trước đã thế và hôm nay vẫn thế. 

Tiếc là những lần đi du lịch bụi qua những thành phố nhỏ TQ tôi không để ý mua lấy một vài cuốn sách giáo khoa tiểu học xem bây giờ họ dạy trẻ thế nào về chuyện quan hệ với người nước ngoài. Chắc là cũng không mấy khi có sự tương tự như những tư tưởng được đưa ra trong những cuốn Tân Quốc Văn soạn thời trước 1949 và được tiếp tục ở Đài Loan sau 1949. 

Riêng ở ta thì đúng là chuyện “quan hệ với người nước ngoài” chưa bao giờ được mang ra bàn một cách chính thức chứ là đừng nói là mang dạy trẻ.

-- Tại sao anh  lại nêu những chuyện này ở đây?

--  Rất giản dị thôi, cách đối xử  với người nước ngoài -- và rộng hơn là suy ngh