24.6.21

SAO SỬ KHÔNG VIẾT VỀ NHỮNG THỜI CON NGƯỜI TRỞ NÊN TỬ TẾ?

Tôi tìm đọc Lịch sử triều Mạc của Đinh Khắc Thuần ( Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2001) vì hai lý do, một nó là luận văn tiến sĩ ở Pháp, chứ không phải được công nhận trong nước; và hai, nghe nói nó rất ca ngợi nhà Mạc chứ không phải lên án như phần lớn sách giáo khoa về lịch sử từ thời tôi học trung học dăm chục năm trước và chỉ gần đây mới có sửa chút ít(?).

Đọc xong thì thấy cuốn sách đáng gọi là một công trình khoa học. Nó có luận điểm mới, cách khai thác tài liệu mới. 

Cuốn sách cũng soi rọi cho tôi thấy thêm một khía cạnh về sự phát triển xã hội  Việt trong quá khứ. 

Đây là mấy dòng Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả nhà Mạc mà cuốn Lịch sử triều Mạc trích lại “ trong nhiều năm đường xá không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng, thường được mùa to, trong nước tạm yên. ( Sách Lịch sử triều Mạc tr229).

Ai mà không ước ao được sống trong một thời thanh bình như vậy nhất là khi người ta đã quá mệt mỏi về chủ nghĩa anh hùng?

Lẽ ra phải có nhiều người đi vào nghiên cứu triều Mac và những thời tương tự .

----

Nhân đây nghĩ chung về cách làm sử ở ta hôm nay. 

Chỉ nghiên cứu ông cha đánh giặc và khởi nghĩa chống phong kiến mà không nghiên cứu ông cha cày ruộng, khai phá đất đai, mở đường, xây dựng đô thị -- nói như ngày nay là làm kinh tế và ổn định xã hội.

Chỉ nghiên cứu những cuộc kháng chiến mà không nghiên cứu tình hình các xã hội hậu chiến.

Chỉ nghiên cứu phong trào chống ngoại xâm, mà không hề nghiên cứu dân ta, đồng thời với việc chống đối đến cùng các kẻ thù xâm lược đó, đã học hỏi những người từ xa đến đất  Việt làm ăn và khai hóa giúp cho con người bản xứ ngày một trưởng thành. 

Chỉ thích dạy trẻ về những thời đại hào hùng mà không dạy về những thời con người ta trở nên tử tế .