24.6.21

MỘT GIAI ĐOẠN MỚI TRONG NHẬN THỨC VỀ LỊCH SỬ VỪA ĐƯỢC BẮT ĐẦU

Trong sự lạc hậu của xã hội ta nói chung, có sự lạc hậu rõ rệt về quan niệm lịch sử. Lịch sử được nói tới không phải là ít. Sách sử ở dạng phổ cập quần chúng - nhất là sách  viết cho thiếu nhi - in ra vô tội vạ. Nhưng càng thấy sách sử được phổ biến, thì càng sốt ruột vì cái quan niệm chi phối ở đấy vẫn là một quan niệm cổ lỗ và chúng ta ngày càng xa lạ với một nền sử học hiện đại, một nền sử học cần thiết cho sự phát triển trước mắt.

Nhưng đến gần một tháng qua, khi chứng kiến sự nở rộ trên FB các loại bài viết về lịch sử thì tôi thấy mừng quá.

Chưa bao giờ lối viết sử tầm thường và dung tục lại được bộc lộ rõ rệt như khi những người có trách nhiệm chính thức bàn về cách đưa các sử liệu có liên quan đến sự kiện ngày 17 tháng 2 năm 1979 tới đại chúng. Trong khi không tìm cách tìm hiểu lịch sử một cách tường tận thì người ta đã vội lo tới việc áp đặt một cách nhìn về sự kiện lịch sử đó cho lớp trẻ. 

Có lần ( hình như trong dịp kỉ niệm 100 năm sinh Nguyễn Văn Vĩnh ), nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một khái quát đại ý nói rằng chúng ta chỉ thích viết sử như chúng ta muốn chứ không phải lịch sử như nó vốn có.

Lâu nay toàn bộ lịch sử cuộc chiến tranh 1945-1975 được viết theo tinh thần đó. 

Trong khi cãi lại ý kiến của một nhà nghiên cứu sử chính thống, nhiều bạn đọc lâu nay đã quan tâm tới sử, bằng nhiều cách thức và con đường khác nhau, đã đưa lại rất nhiều tài liệu bổ ích về cuộc chiến tranh 40 năm trước đó. 

Có bạn trở lại với những trang báo ở các thư viện.

 Có bạn đưa ra các tài liệu lưu trữ ở nước ngoài, bao gồm từ tài liệu của phương Tây, cho đến tài liệu của  Trung Quốc Nga.

Rất nhiều bạn giới thiệu  cách nhìn chiến tranh của các cá nhân đã có các vị trí khác nhau trong chiến tranh. 

Cái giả tạo của lịch sử Việt Nam đương đại bắt đầu ngay ở chỗ là ngay các hồi kí của các nhân vật trong cuộc cũng được bóp méo, cũng bị tùy tiện thay đổi theo sự định hướng của cấp trên. Nay thì các bạn Facebooker sục tìm vào rất nhiều hồi kí của các cá nhân ở nhiều góc độ khác nhau mà không cần một sự cho phép nào từ cấp trên.

2/

Lâu nay các tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh ba mươi năm gần như hoàn toàn  bị đóng băng trong các kho lưu trữ. Xã hội chỉ được cung cấp những bản lược đồ hết sức sơ sài và gỉa tạo.  mải làm ăn kiếm sống, 

3/

Bộ Điện thì thắp đèn dầu

Bộ than xin củi ai sầu hơn ai.

Nhân nhắc về tình hình cuộc chiến 79, một số Facebooker còn mở rộng ra nhắc lại tình hình hết sức đen tối của 10 năm hậu chiến 75-85, mà câu ca dao nói trên là một ví dụ.

Chúng ta biết rằng giai đoạn 10 năm 75-85 đó thường bị bỏ trống và không được nghiên cứu trong các tài liệu sử học. Ít nhất chúng ta cũng thấy đấy là 10 năm mà cả xã hội mất phương hướng và phạm nhiều sai lầm không thể tha thứ được trong việc tổ chức xã hội và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. 

Tôi ngờ rằng rồi đây có ai đó làm công việc nghiên cứu giai đoạn này một cách khoa học thì sẽ rất biết ơn các nhà làm sử nghiệp dư đã nhân cơ hội kỉ niệm sự kiện 17 tháng 2 năm 1979, mà mở ra một phương hướng cho một nền sử học tương lai.